NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG: SỰ ĐAN XEN GIỮA CHÍNH TRỊ VÀ LÃNG MẠN
- La'Cinéma Club
- 10 thg 2, 2022
- 4 phút đọc
Như các tiền lệ của Phillip Noyce, Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American, 2002) vẫn tiếp tục là một bộ phim khuynh đảo giới chuyên môn và phô bày tất cả các kĩ năng của vị đạo diễn. Trong đó, cái cách mà ông ta đan cài yếu tố “chính trị" nặng đô cùng tình cảm “lãng mạn" hiếm có ở thời chiến đã biến tác phẩm điện ảnh thành “con cưng" của các nhà phê bình.
Góc máy Người Mỹ trầm lặng theo chân một gã phóng viên người Anh đang nhận nhiệm vụ tại chiến trường Đông Dương, giữa lúc tình hình chính sự ngày một leo thang căng thẳng. Gã là Fowler, ở thời điểm trung tuần của một kẻ săn tin, Fowler luôn trung thành với sự khách quan tuyệt đối trên từng thông tin mà mình tung ra. Gã có một mối quan hệ đậm đà với một cô gái Việt Nam tên Phượng, thứ mà thoạt nhìn như thể tác giả tiểu thuyết gốc là Graham Greene đang có tham vọng tạo dựng nên một câu chuyện lãng mạn nở rộ trong khói tàn của cuộc chiến. Nhưng sự chen chân của “người thứ ba" Pyle đã khiến cuộc chơi không còn đơn giản. Sắc hường phấn của tình yêu ngả màu, giờ đây từng lời thoại cử chỉ đều trở thành một ngụ ý cho những mưu đồ chính trị sâu xa, rối rắm và khó hiểu
Dư vị tình yêu lãng mạn đọng trong chuyện tình tay ba của Fowler - Phượng cùng Pyle, những người có nét tính cách khác nhau đến mức đối lập. Fowler và Phượng quấn quýt lấy thân thể của nhau say đắm. Họ trao nhau những nụ hôn nóng bỏng và cái cách Fowler đặt tình ý của mình trên thân hình nuột nà của Phượng khiến người khác phải đỏ mặt. Trong khi gã đang đau đầu chuyện ly hôn người vợ ở quê nhà để tiến tới với Phượng, thì người bằng hữu Pyle lại trở thành tình địch số một. Pyle yêu vào cuồng nhiệt, chủ động và say mê. Diễn biến của đoạn tình cảm này sau sự xuất hiện của hắn mà trở nên kịch tính, cộng với sự đắc thắng trong tình trường của Fowler để rồi đau khổ khi vuột mất Phượng chẳng khác nào những “drama” tình cảm hiện đại thường xuất hiện trên truyền hình.
Dưới bàn tay của một đạo diễn bám sát nguyên tác rất tỉ mỉ, yếu tố lãng mạn là bề nổi, để bày soạn một mưu đồ chính trị lẫn những mối quan hệ loằng ngoằng ở đằng sau nó (Mỹ - Đồng Minh - Việt Nam, Indochina).
Động đến chính trị là động đến lợi ích, Pyle - Fowler và Phượng cũng bên nhau vì những lợi ích cá nhân. Nếu Fowler và Pyle mưu cầu chúng từ khao khát tình yêu lí tưởng thì đối với Phượng lợi ích được lấy chồng Tây và thoát khỏi hoàn cảnh hiện giờ là hơn cả. Việc nàng đến với Fowler hay Pyle có lẽ cũng chẳng phải ưu tiên hàng đầu.
Nhưng dường như vị trí của Fowler là sự trung lập. Khác với một Pyle luôn say sưa với mối tình lẫn dã tâm của mình, Fowler nắm vai trò của một kẻ ở giữa, gã để Pyle tỏ lòng với Phượng và có vẻ như sẵn sàng để nàng rời đi nếu nàng gật đầu với Pyle mặc cho gã sẽ rất đau khổ. Người ta liền không khỏi liên tưởng đến vị trí của các nước Đồng Minh châu Âu - những kẻ thiếu chính kiến đứng giữa “thờ ơ” với chiến cuộc.
Cụm “Người Mỹ trầm lặng" thực chất chỉ Pyle. Hắn đại diện cho một nước Mỹ, với cái chủ nghĩa “lực lượng thứ ba” lí tưởng của mình, âm thầm xuất hiện bên cạnh Fowler và Phượng như thể một chú nai ngây thơ không thể đề phòng. Để tất cả mới ngã ngửa khi kế hoạch của hắn được thực thi.
Ở phần đầu câu chuyện, yếu tố lãng mạn chiếm phần nhiều thời lượng màn hình: những câu thoại rất thơ, những cô gái làng chơi nhảy và hát hò còn bầu không khí thì, ít nhất trông có vẻ tươi sáng hơn so với tình hình cuộc cuộc chiến. Nhưng càng về sau, tiết tấu cùng không khí bộ phim càng dày đặc bởi những âm mưu và thủ đoạn từ nhiều phe phái khiến khán giả ngộp thở. Mâu thuẫn dần hé lộ, đó là khi Mỹ càng ngày càng bành trướng thế lực của mình trong chiến trường Đông Dương, mà qua góc nhìn của chàng Pyle thì lại trở thành cách đúng đắn nhất để chấm dứt chiến tranh chỉ với việc hi sinh “một số” mạng tốt thí. Phải ca ngợi Phillip Noyce khi chuyển đổi giữa hai yếu tố có phần trái ngược là “chính trị” và “lãng mạn” một cách rất thấm, thấm từ từ, thấm tận sâu trong tư tưởng mà không tạo ra cảm giác “cấn”. Yếu tố “chính trị “ luồn lách vào “lãng mạn” âm thầm cứ như cách Pyle đến với chuyện tình của Fowler và Phượng.
Và cũng có thể nói, sự “lãng mạn” của tình yêu trở thành một sự an ủi sau khi con người trở về từ hiện thực chiến tranh. Fowler cảm thấy nhớ người phụ nữ của gã đến bức bối sau những lần xông vào chiến trường, thậm chí cả khi đang trong cuộc chiến: “Không biết cô ấy giờ đang làm gì nhỉ”. Trên khía cạnh nào đó, tình yêu cũng là động lực để con người đấu tranh và là động cơ thức tỉnh lương tri, chúng tiếp dũng khí cho gã lựa chọn: giết Pyle - kẻ khơi mào cho một âm mưu đẫm máu chà đạp lên nhân quyền của những con người xứ này.
Nhật Linh
Comments