CHIẾN TRANH VIỆT NAM QUA LĂNG KÍNH HOLLYWOOD
- La'Cinéma Club
- 20 thg 2, 2022
- 5 phút đọc
Điện ảnh là một trong những phương tiện quyền lực nhất để kiến tạo góc nhìn của con người về những sự kiện trong thực tại, đặt ra những câu hỏi về những vấn đề thuộc phạm trù xã hội, văn hóa, tư tưởng,... Một bộ phim hoàn toàn có thể phản ánh thời điểm nó được làm ra, hay chí ít thể hiện những góc nhìn đã tồn tại trong thời điểm ấy. Những sự kiện lịch sử cũng không phải ngoại lệ khi phim ảnh có khả năng cung cấp cho khán giả hiểu biết về những gì đã từng xảy ra trong quá khứ, tại đó những nhà làm phim "viết lại lịch sử" trên màn ảnh bằng tác phẩm của chính mình.
Xuyên suốt hai thập kỷ diễn ra ác liệt và kể cả khi đã đi đến hồi kết, chiến tranh Việt Nam vẫn không ngừng ghi dấu những tác động của mình trong văn hóa đại chúng. Chúng không chỉ được thể hiện qua sách báo hay ảnh chụp mà còn trong nền điện ảnh Hollywood, từ những đoạn phim mang tính chất tuyên truyền chính trị, những cuốn phim tài liệu cho tới những tác phẩm điện ảnh hư cấu gây ấn tượng cả về nội dung lẫn hình thức.
Trong chính thời gian của cuộc chiến, vẫn còn ít phim trực tiếp đụng chạm tới chiến tranh Việt Nam tại Hollywood. Khởi đầu của những bộ phim lấy đề tài này chủ yếu là những thước phim tài liệu, với một trong những bộ phim sở hữu cốt truyện hư cấu nổi bật là The Green Berets (1968, John Wayne), được làm ra với sự tài trợ kinh phí từ Lầu năm góc, song tựu trung lại những bộ phim thuộc giai đoạn này đều mang tính tuyên truyền, nghiêng về quân đội Mỹ với góc nhìn có phần thiên vị, phiến diện.
Phải tới khi cuộc chiến đã kết thúc, công chúng mới có cơ hội đón nhận những tác phẩm điện ảnh đi vào vấn đề chiến tranh Việt Nam một cách nghiêm túc và có chiều sâu hơn. Những bộ phim chiến tranh ra đời trong giai đoạn này thường không trực tiếp đi vào chiến trường hay bản thân cuộc chiến, mà thay vào đó tập trung khắc họa những nhân vật "cựu binh Mỹ" thời hậu chiến. Chúng xoáy sâu vào những góc tối trong tâm trí đã bị hủy họai trong quãng thời gian tham chiến tại Việt Nam và cuộc sống vật lộn của họ tại quê nhà, sống bên lề xã hội, trở thành tội phạm, hoặc phát điên bởi những chấn thương tinh thần. Đó là những kẻ được liệt vào hàng nguy hiểm với cộng đồng, có cuộc sống nằm bên lề xã hội với tâm hồn đã trở nên mục rỗng và héo mòn sau quãng thời gian tham chiến tại Việt Nam, giống như những quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào – Travis Bickle, cựu binh Mỹ hành nghề tài xế taxi trong Taxi Driver (1976, Martin Scorsese), hay tù binh chiến tranh Charles Rane trong Rolling Thunder (1977, John Flynn).
Bên cạnh đó, trải nghiệm của người cựu binh trở về từ chiến trường Việt Nam trong các bộ phim cũng có tác dụng phản ánh lịch sử biến động của nước Mỹ những năm trong và sau chiến tranh, như bộ phim điện ảnh Forrest Gump (1994, Robert Zemeckis) hay Born on the Fourth of July (1989, Oliver Stone).
Cũng không thiếu những phim lấy bối cảnh tại chính Việt Nam, với ống kính máy quay theo chân người lính Mỹ và hành trình của cá nhân họ. Chúng có thể kể câu chuyện diễn ra trong lòng cuộc chiến, và sâu rộng hơn là những xung đột diễn ra trong nội tâm những người lính trực tiếp tham gia vào chiến trận.
Một bộ phim nổi bật thuộc phạm trù này có thể kể đến Apocalypse Now (1979, Francis Ford Coppola). Dựa trên tiểu thuyết Heart of Darkness (Joseph Conrad), chuyện phim xoay quanh hành trình ngược dòng sông Nùng của Đại úy Benjamin L. Willard nhằm thực hiện nhiệm vụ ám sát vị Đại tá Walter E. Kurtz, người đã trở nên loạn trí với những hành động và quyết định vượt ngoài tầm kiểm soát, cũng như vượt quá giới hạn của một con người bình thường. Apocalypse Now cho thấy sự phi lý của chiến tranh thông qua những nhân vật như Bill Kilgore, vừa chỉ huy đội của mình oanh tạc một ngôi làng, cùng lúc sơ tán người dân như một vị cứu tinh đích thực, thậm chí sẵn sàng chỉ đạo binh lính lướt sóng ngay giữa chiến trường mù mịt khói từ đám cháy rừng và bom Napalm. Bộ phim tập trung vào cuộc chiến nội tâm của con người, cuộc chiến giữa thiện và ác trên cái nền tăm tối, bòn rút tinh thần những người lính và nhân tính của họ hơn là bản thân cuộc chiến họ đang tham dự.
Khác với Apocalypse Now, Platoon (1986, Oliver Stone) đi vào khai thác cuộc sống chiến đấu của những người lính Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam thông qua góc nhìn của anh lính mới Chris Taylor. Chiến tranh Việt Nam trong Platoon đã hiện nguyên hình là cuộc chiến đẫm máu, phi nghĩa, trong đó lính Mỹ sẵn sàng hãm hiếp, giết hại dã man người dân vô tội trong một ngôi làng bị tình nghi là nơi trú ẩn của binh lính Việt Cộng. Tại đó, mâu thuẫn không chỉ dừng lại là mâu thuẫn giữa họ với "địch" – những người Việt Nam luôn hiện lên như những nguy cơ ẩn nấp trong rừng già mà còn là mâu thuẫn trong nội bộ Sư đoàn, mâu thuẫn trong nội tâm con người về lý tưởng với hiện thực cuộc chiến. Bộ phim cũng đã cho thấy cách con người vật lộn để sống sót với những mất mát trong trung đội, đồng thời giữ vững nhân tính của mình giữa chiến sự đang diễn ra ngày một ác liệt.
Có thể thấy diện mạo của chiến tranh Việt Nam qua lăng kính Hollywood vẫn luôn không ngừng thay đổi trong và sau chiến tranh; tính đến thời điểm này, vẫn có những bộ phim thuộc đề tài này được làm ra, đưa những góc nhìn về sự kiện lịch sử này tới khán giả đại chúng. Thế nhưng một điều dễ nhận thấy là phần lớn các bộ phim lựa chọn đi vào trải nghiệm của những người lính Mỹ (đã từng) tham chiến tại Việt Nam, cá nhân hóa nó thay vì thực sự đi sâu vào những phương diện như lịch sử hay ý thức hệ của cuộc chiến, thiếu vắng chiều sâu của những người Việt Nam, những con người đứng bên kia chiến tuyến so với những nhân vật mang quốc tịch Mỹ, trung tâm của những bộ phim. Kể cả thế, những bộ phim điện ảnh về vấn đề chiến tranh Việt Nam vẫn luôn nhận được sự quan tâm đông đảo từ khán giả cũng như công nhận từ giới chuyên môn, không chỉ như những lát cắt về một thời kỳ lịch sử đầy biến động đã qua đi, mà còn đặt ra những câu hỏi về con người và nỗi kinh hoàng chiến tranh để lại trong cảm thức của họ.
Khánh Linh
Comments