top of page

IN THE MOOD FOR LOVE: ĐI TÌM HONG KONG ĐÃ MẤT

  • Ảnh của tác giả: La'Cinéma Club
    La'Cinéma Club
  • 21 thg 11, 2021
  • 5 phút đọc

Lấy bối cảnh tại Hong Kong thập niên 60, bộ phim In The Mood For Love (Hoa dạng niên hoa) của Vương Gia Vệ - đạo diễn châu Á nổi tiếng với cặp kính đen xoay quanh mối quan hệ giữa Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân sau khi chuyển tới sống tại một khu chung cư mới và phát hiện ra hai người bạn đời của mình đang lén lút qua lại với nhau. Không chỉ kể về một tình yêu ngang trái, bộ phim còn cho thấy cuộc sống của những cư dân gốc Thượng Hải di cư tới Hong Kong vào đầu những năm 1960. Từ đó, đạo diễn tái hiện vùng đất Hong Kong đứng giữa những thay đổi bóng chớp của thời đại.


Bản thân Vương Gia Vệ cũng là một người thuộc nhóm kể trên: ông sinh ra tại Thượng Hải vào năm 1958 và cùng cha mẹ chuyển tới sống tại Hong Kong vào năm 5 tuổi, tức năm 1963, một năm thuộc chuỗi thời gian được khắc họa trong In The Mood For Love. Vương Gia Vệ từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn với The New York Times vào năm 2001:


"Tôi luôn muốn đưa những nơi chốn ấy vào trong phim của mình, hành lang, nhà hàng hay đường phố, bởi tôi biết sớm rồi chúng cũng sẽ không còn nữa. Tại đó mọi thứ đổi thay rất chóng vánh."


Có thể thấy rằng khung cảnh phố thị Hong Kong giữa những năm 1960 trong phim hiện lên như một sự hoài niệm của chính ông, cũng như của những cư dân Hong Kong về một thời kỳ đã đi qua. Đoạn trích từ truyện ngắn của nhà văn Lưu Dĩ Sưởng là nguồn cảm hứng cho bộ phim: "Thời kỳ đó đã đi qua. Không có gì thuộc về nó còn sót lại nữa." ("Đối đảo/Intersection")


Khán giả đã quen thuộc với không gian đô thị Hong Kong thường xuất hiện trong phim Vương Gia Vệ: những ánh đèn ne-ong đủ các loại màu sắc, các bản nhạc pop Quảng Đông sôi động, và nhất là những người trẻ cô đơn, lạc lõng giữa lòng đô thị rộng lớn. Hong Kong của In The Mood For Love và Hong Kong trong ký ức của chính Vương Gia Vệ có phần khác biệt so với không khí sôi động ấy, đặc biệt là hoàn toàn khác với những tác phẩm trước của đạo diễn với sự thiếu vắng những yếu tố quen thuộc kể trên, và những đoạn độc thoại (voice-over) đặc trưng của nhân vật chính. Phim được dẫn dắt bằng những trích đoạn văn học, và thay vì nhạc pop tân thời, người xem như lặng đi trước giai điệu da diết của bản nhạc Yumeji's Theme, bài hát "Hoa dạng đích niên hoa" của nữ ca sĩ Chu Tuyền, cùng những ca khúc Latin của Nat King Cole, vốn rất thịnh hành ở Hong Kong thời bấy giờ.


Hong Kong đầu thập niên 1960 trước hết hiện lên qua khu nhà Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân mới chuyển đến – điểm đến của những người di cư gốc Thượng Hải. Kỹ thuật quay phim frame in frame được sử dụng đã phần nào gợi lên không gian của khu nhà: những căn nhà cho thuê sát vách dẫn ra một hành lang gần như luôn trong trạng thái đông đúc và chật hẹp: không chỉ có diện tích của khung hình bao bọc lấy những nhân vật mà còn cả những bức tường, cửa kính và ô cửa sổ đóng khung họ vào tầm mắt quan sát của người xem. Máy quay luôn được duy trì ở một khoảng cách xa so với vị trí của nhân vật, cho ta một góc nhìn tương tự như những người hàng xóm, phần nào cũng phản ánh cuộc sống thiếu riêng tư và những lời đàm tiếu dễ dàng được khơi lên trong không gian sinh sống này – một điều được thể hiện rất rõ qua cách ứng xử và suy nghĩ của hai nhân vật chính lẫn những người xung quanh về mối quan hệ giữa họ trong quãng thời gian vắng bóng bạn đời của mình.


Từ nhà hàng Goldfinch ở vịnh Causeway nơi hai nhân vật chính dùng bữa trong lần đầu tiên khám phá ra sự thật, cho tới khung cảnh trong khách sạn được quay tại Học viện Quân Y Anh (King's Park) và quán ăn lề đường (quay tại Bangkok, Thái Lan), nơi ông Châu và bà Trần thường đi lướt qua nhau, rất nhiều những địa điểm đã được đoàn làm phim khai thác để tạo nên Hong Kong trong những năm 60 của thập niên 1960. Trận mưa giữa lúc hai nhân vật chính trú bên ngoài cũng được xem như một liên hệ tới cơn bão nhiệt đới Wanda đổ bộ vào Hong Kong năm 1962. Nếp sống của cư dân đô thị còn được khắc ghi trong những bàn chơi mạt chược thâu đêm suốt sáng, thời kỳ đã qua được gợi nhắc bởi bộ trang phục sườn xám người phụ nữ thường diện lên mình lúc bấy giờ.


Thời gian trong In The Mood For Love, cũng như những đổi thay trong lời vị đạo diễn, trôi qua một cách rất chóng vánh. Ba chiếc kim trên mặt đồng hồ cứ thế quay, mà nếu để ý kĩ, người xem có thể nhận thấy khung cảnh trước mắt mình là thuộc về một ngày khác. Manh mối duy nhất về thời gian là những bộ sườn xám của Tô Lệ Trân – lên phim có tổng cộng 21 bộ, và kín đáo hơn thông qua thực đơn, như Vương Gia Vệ chia sẻ: khi bà Tôn mời Tô Lệ Trân ăn hoành thánh, đó có thể là tháng 6–7, thời điểm loại rau củ nguyên liệu của món ăn có mặt trên thị trường.


Khép lại bộ phim, trích đoạn từ tác phẩm của nhà văn Lưu Dĩ Sưởng một lần nữa đưa người xem đi lướt qua thời gian, tiến tới Hong Kong của 1966 khi Châu Mộ Văn về thăm lại nhà cũ sau khi chuyển công tác tới Singapore: "Anh nhớ những tháng năm đã qua ấy. Như thể nhìn qua khung kính cửa sổ bám bụi, quá khứ là một thứ anh có thể nhìn thấy, song không thể chạm vào. Và mọi thứ anh nhìn thấy đều mờ nhòe và hoen ố." Năm 1966 ghi dấu nhiều biến động với những cuộc bạo loạn tại Hong Kong và những ảnh hưởng tới từ cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Hoa đại lục. Sự chảy trôi của thời gian đã in dấu những đổi thay lên không gian – những người hàng xóm khi xưa đã chuyển khỏi khu nhà cũ.


In The Mood For Love còn có tên khác là Hoa dạng niên hoa, ý chỉ quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời người phụ nữ, cũng có thể hiểu là "Thời gian vui vẻ trôi đi như những cánh hoa". Khung thời gian trong bộ phim dường như chính là quãng thời gian đẹp nhất của Hong Kong như Vương Gia Vệ đã có lúc chia sẻ. Hong Kong của thập niên 1960 giờ đây chỉ còn hiện hình trong ký ức, trong những thước phim sống động, mang âm hưởng hoài cổ – không gian và thời gian trước mắt ta trong bộ phim điện ảnh In The Mood For Love của đạo diễn Vương Gia Vệ.


(Khánh Linh)

 

Comments


©2021 by

 La'Cinéma.

bottom of page