top of page

THE PIANIST: ĐIỆU CHOPIN NẨY LÊN TỪ NHỮNG KẺ KHÁT KHAO ĐƯỢC SỐNG

  • Ảnh của tác giả: La'Cinéma Club
    La'Cinéma Club
  • 6 thg 1, 2022
  • 5 phút đọc

Đã cập nhật: 20 thg 1, 2022

The Pianist (Nghệ sĩ dương cầm, 2002) không chiêu đãi cho công chúng một bữa tiệc âm nhạc hoành tráng, càng không phải là kiệt tác về âm nhạc. Nhưng những giai điệu Chopin vang lên trong hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh khi ấy, đối với Szpilman, không khác gì kiệt tác của niềm đam mê và khát khao được sống mãnh liệt.

Cuốn hồi kí “The Pianist” là những tàn dư mà chế độ diệt chủng Đức Quốc xã để lại trong kí ức của người nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpilman. Khi lần đầu được chuyển thể thành phim, nó đã trở thành một phản chiếu rất đỗi sống động cho những ám ảnh trong quá khứ của vị đạo diễn Polanski đối với hành trình tội ác đáng lên án nhất trong quá khứ nhân loại - Holocaust. Bộ phim cắt dòng lịch sử ở những năm tháng khốc liệt nhất của thế chiến II, nơi đã có ít nhất 6 triệu người Do Thái ngã xuống vì những lí do phi nhân tính. Dấu chân của lính Đức có mặt trên mọi nẻo đường Ba Lan, chúng vô tư lự ngắm những viên đạn bất nhẫn vào sinh mạng của công dân Do Thái. May thay chàng nghệ sĩ Szpilman đã phi thường sống sót. Anh lạc khỏi gia đình trong một lần bị di chuyển đến trại thiêu, còn những gì diễn ra sau đó chính là một bản nhạc réo rắt đầy mê hoặc của cảm xúc: sợ hãi, giận dữ, kinh ngạc, đau đớn, khi lại hồi hộp lo lắng và rồi cảm thương.

Chiến tranh hiện rõ trong từng nhịp thở của “the pianist” Szpilman, song yếu tố phản kháng không được nói quá rõ trong suốt thời lượng hai tiếng rưỡi bộ phim như những thường lệ trong dòng phim phản chiến. Thay vào đó, Polanski muốn kể nhiều hơn về nghị lực sống đến mức ám ảnh cùng cực của Szpilman. Anh ta là một nghệ sĩ có tài, rất tài, nhưng anh đã không giữ được tư cách đó trước lính phát xít Đức. Họ coi Do Thái bọn anh là ung nhọt của xã hội, hay thậm chí là “chủng tộc hạ đẳng” để rồi đối đãi với người không bằng cầm thú. “Có thể cho tôi xin một ít bánh mì không?” - một cách chậm rãi, tất cả sự nhỏ bé và tội nghiệp của Szpilman được bộc lộ. Dường như điều này đã trở nên vô nghĩa trước ham muốn được sống khi anh thậm chí ăn khoai tây thối và bị ngộ độc.

Chuỗi ngày sống chui lủi như một “kí sinh” của Szpilman, có thể nói, là lịch sử. Đạo diễn Polanski và Adrien Brody đã mang lên màn ảnh rộng một hiện thực trần trụi, từ ngoại hình lê thê nhếch nhác quá tuổi, đến hành động ẩn nấp trên mái nhà hay cách né đạn vụng về và hoảng loạn của Szpilman. Từng cảnh quay nhuộm mùi thuốc súng khiến người ta cảm tưởng máu từ những nạn nhân vô tội đã lấp đầy khung hình. Những nhịp chân dồn dập của Szpilman khi chạy trốn khỏi nơi trú ẩn và quân đội phát xít dâng trào lên từng đợt cảm thán cho nghị lực sống mãnh liệt. Nhiều người tự vấn rằng, tại sao anh muốn vượt lên hoàn cảnh “địa ngục” đó: mất toàn bộ người thân; điều kiện sinh tồn nghèo hèn nguy hiểm và không còn được sống thỏa mãn với niềm đam mê được chơi nhạc.

Nhưng chính âm nhạc đã giữ cho Szpilman một mục đích sống. Người ta lặng đi trước khoảnh khắc anh để ngón tay lướt trên những phím đàn tưởng tượng, bởi anh phải “im lặng nhất có thể” trong căn nhà ẩn trú. Họ thấy Szpilman lại rạng rỡ hạnh phúc sau chuỗi ngày bị kìm nén bởi những sợ hãi và run rẩy trong hành trình sinh tồn nhơ nhuốc, đôi mắt nhắm nghiền như đang phiêu du về miền nào đó. Một tâm hồn tự do, cháy bỏng và sức sống nảy lên từ những phím đàn câm lặng, một tâm hồn như vừa được giải cứu trong chính khoảnh khắc căng thẳng nhất của bộ phim.

Nhiều người đến và giúp đỡ Szpilman trong cuộc đời là vì mến mộ tài chơi nhạc của anh, từ hai viên cảnh sát Do Thái làm thuê cho Đức Quốc xã, đến vợ chồng nhà Dorota - người đồng bào không xua đuổi người Do Thái, như thể một minh chứng hùng hồn cho những giá trị nhân văn trường tồn trong cuộc diệt chủng. Nguồn cảm hứng vĩnh cửu của nhân loại là âm nhạc đã xoá nhoà đi ranh giới kẻ thù trong khoảnh khắc viên sĩ quan người Đức Hosenfeld để cho Szpilman chơi một bản nhạc vì lời hồi đáp: “Tôi là một nghệ sĩ dương cầm”. Một cảnh phim mang tính đột phá, và lắng đọng.

Szpilman đã chơi một bản nhạc đầy cuồng nộ xen lẫn rất nhiều nỗi lo lắng, đồng thời là sự thanh thản trong niềm say mê bị dồn nén. Chắc hẳn anh đã nghĩ đến cái chết của mình khi tiếng đàn kết thúc nên dành mọi cảm xúc thể hiện ở bản nhạc. Đống sắt vụn đổ nát, ánh sáng mờ mịt, bộ dạng rách rưới lôi thôi, dù vậy Szpilman đã trở về với tư cách nghệ sĩ tay mân mê lấy phím đàn và tỏa sáng trên sân khấu sự sống. Tiếng đàn khiến ánh mắt của viên sĩ quan dành cho Szpilman không còn là của một kẻ đàn áp hay là kẻ sát nhân nữa. Hắn ta chỉ đơn thuần say mê cảm phục sự kì diệu của âm nhạc tạo ra bởi một người nghị lực.

Có một chi tiết thú vị được cài cắm trong phim nằm ở bản nhạc Ballade số 1 của Chopin. Trong hoàn cảnh họng súng cận kề, Szpilman đã chơi một bản nhạc nói lên lòng yêu nước sâu sắc của một công dân Ba Lan mà cũng đồng thời là sự sỉ nhục đối với người Đức. Có lẽ sau tất cả sự chạy trốn chui lủi, người nghệ sĩ đã đặt cược lòng yêu nước của mình lên trên phím đàn. Linh hồn âm nhạc của The Pianist chính là Chopin. Âm nhạc của Chopin chính là niềm tự hào dân tộc của người Ba Lan, một thứ âm nhạc nặng tình với quê hương xứ sở.

Điệu Chopin du dương, điệu Chopin mềm mại, nịnh tai và đầy tinh tế. Trừ lần đầu vang lên ở phần đầu bộ phim, âm thanh Chopin không còn dồn dập theo từng hơi thở của chiến tranh sau đó nữa. Nhưng đến cuối cùng, khi con người rơi vào nghịch cảnh nhất, âm nhạc lại một lần nữa xuất hiện để giải thoát và cảm hoá, mà sâu xa hơn là để bày tỏ nỗi day dứt về sự sống trong màn khói lửa chiến tranh đến tột cùng.


(Nhật Linh)

 

Comentários


©2021 by

 La'Cinéma.

bottom of page