top of page

ÁO LỤA HÀ ĐÔNG: HỖN LOẠN, CHIẾN TRANH VÀ NGHÈO NÀN

  • Ảnh của tác giả: La'Cinéma Club
    La'Cinéma Club
  • 24 thg 2, 2022
  • 5 phút đọc

Kỳ thật tôi biết nhiều người sau khi xem Áo Lụa Hà Đông ấn tượng nhất vẫn là cái cảnh ông Thòn bú chị Dần. Người mà sau đó bị tra tấn bởi đám tay sai thực dân, bị chồng cho ăn tát rồi thét như con gà bị cắt tiết sau khi con chết dưới quả lựu đạn ngay khi đang đọc bài văn đứng đầu lớp của nó.


Cũng dễ hiểu, mà cũng chẳng thể chê người ta dung tục vì ấn tượng với nó. Nhưng đó cũng không nên là cái cớ hiển nhiên để làm lơ một điều tuyệt vời, đáng ra sẽ với đến tầm cao hơn thuộc về nghệ thuật của bộ phim.


Trong nghệ thuật sử dụng màn ảnh hay đúng hơn với cái tên chuyên nghiệp là ngôn ngữ màn ảnh, kỳ thật được đánh giá khi gộp ngôn ngữ âm thanh, màu sắc, ánh sáng, hình ảnh, thoại, nhân vật và ti tỉ thứ khác. Với Áo Lụa Hà Đông, dù là cố ý hay vô tình, đạo diễn đã đạt đến trình độ đỉnh cao nếu được phân tích theo hướng ngôn ngữ màu sắc. Tại sao lại nói như vậy?


Bởi có lẽ hoặc không, bằng một cách nào đó, tôi đã lý giải màu sắc màn ảnh đến mức khó có thể tin là đạo diễn ngụ ý để làm thật vì nếu ông có thể làm thế thật, không đời nào ông không đưa ra một gợi ý cho những nhà phê bình và quần chúng. Vì nó đã biến bộ phim thành đỉnh cao của khả năng ngôn ngữ này.


Áo Lụa Hà Đông được biết đến bằng một cái tên tuổi gắn với vài đặc điểm nổi bật chiếm sóng của phim. Không thể phủ nhận rằng phim có quá nhiều thứ diễn ra, kể cả khi không có ngôn ngữ màu sắc đặc biệt như tôi lý giải, thì phim vẫn là kinh điển đậm nét. Đấy là nếu tôi không bị dày vò kinh khủng với những nét pha màu sắc ngạt thở của phim.


Mở đầu bộ phim, tôi đã chứng kiến ngôn ngữ nhan sắc của sự giàu có. Lúc ấy tôi chưa ngợ ra được nhiều cho lắm, lúc ấy trong cái sự giàu sang của gia đình ông quan, màu sắc sặc sỡ chói mù mắt người xem, rồi mấy sự lấm lem của Gù và Dần, qua cảnh nấp trong căn nhà hoang chim chuột. Giờ nghĩ lại thì đặc điểm đã có từ ấy. Bởi phần hiện diện của bọn họ có màu thẫm so với khung hình, rồi mấy bộ quần áo màu sáng cũng sáng sủa như nền phim.


Ấy là tới khi quan bị Việt Minh dẹp một tảng, cũng như màu xanh đỏ đen trở nên gan góc và rõ ràng, bóng thằng Gù nấp trong đêm tối đi tìm cô Dần, mà vừa trong một căn nhà quan khác sáng đèn không giống trời bên ngoài nơi thằng Gù, và chỉ mãi tới khi hai người bỏ trốn, cả nền phim mới bao trọn màu đen để chuyển cảnh.


Khi đã biệt tăm khỏi chỗ gần nhà quan, phim chuyển hẳn sang gam màu bẩn, lấm lem, tối, nhiều xám, có lẽ nên được gọi bằng gam màu khói. Mọi thứ đều lạnh lạnh, tăm tối, tôi xin được phép gọi đây là gam màu của sự nghèo khổ, ít nhất là vào đoạn này.


Màu của màu ao đục do đất, màu của lũ ngập lụt tới chỗ căn nhà, màu của mấy thanh gỗ dập mái nhà tranh, màu của bộ quần áo màu phai phui trên người, màu của ao sò và hến trên chiếc thuyền nâu ấy, màu của trời đất và không khí nhạt nhoà xám xịt. Đấy là thứ tôi cho là nghèo khổ.


Nhưng rồi tôi nhận ra một điều, khi cô Dần đến nhà của một bà địa chủ để vay tiền, gam màu có xu hướng sáng sặc sỡ như những cảnh đầu phim. Và nó đã khôi phục thành những cảnh đầu phim khi cô Dần đến nhà ông Thọt. Ngại nỗi, màu xám xịt vẫn cứ ẩn hiện qua từng màn ảnh như thể cái nghèo đói đã không thể bị cái giàu sang lu mờ. Dần cho ông Thọt bú sữa, cái màu đỏ gắt phủ tầng tầng lớp lớp, như thể hiện cho cả tủi nhục lẫn tội lỗi, bởi ta biết nó là sự giàu sang, nên có lẽ, cũng chính nó là nỗi nhục nhã. Tôi biết, đó là sự hỗn loạn khi màu sắc diễn tả quá nhiều thứ.


Khung cảnh sau hai bức tường đầy sự chế giễu, pha trộn với đủ màu sắc từ đậm đến nhạt vượt qua ranh giới bảng màu được chế định từ trước, như đang khắc khoải cho tất cả các sắc thái của cô Dần trong những khoảnh khắc kỳ lạ này.


Thế là tôi bắt đầu để ý hơn về khoảng hỗn loạn trong màu sắc. Khi đến tiệm may, màu sáng lên, khi mấy đứa bé nói về tri thức và câu chuyện của nó có sự giàu sang, màu sáng lên, nhưng chẳng có cái nào sáng chói như lúc Việt Mình kéo đến nhà quan.


Và thế là tôi lại ngộ ra, đó là gam màu pha trộn của chiến tranh và giàu có. Còn có chút ít của nghèo khổ nhưng không đáng kể vì trước đó, khi còn ở nhà quan, Dần và Gù không nghèo khổ như bây giờ.


Đó là lý do nơi Dần ở với người nhà quan của cô vẫn còn sáng sủa và an bình. Màu của chiến tranh không có cụ thể, nhưng nếu nó hoà lẫn với các gam màu khác nhau thì nó khác hoàn toàn, với ngôn ngữ màu sắc của sự giàu có, nó là màu đỏ xanh đen rất gắt, như đang cố gắng đâm chọt thứ gì.


Tôi chẳng thấy màu chiến tranh trong nghèo đói nhiều lắm và đã thắc mắc, nhưng thực tế là tôi nhận ra tất cả điều trên sau khi tôi nhìn thấy giữa đống tan nát của chốn trường học, là một quả lựu đạn đen xám.


Thật hỗn loạn. Vẻ như, tôi hiểu được rồi. Chiến tranh không ở đâu xa, mà ở ngay trong sự nghèo khổ, nó im ỉm, không dứt, nó pha trộn và trở nên hỗn loạn giữa đống đổ nát, giữa cái lũ khổ cực ấy, nó và nghèo khổ đã trộn vào. Rồi tôi nghĩ thế là hết cho tới khi cái màu nước sông đêm nó nhấn chìm cô Dần.


Vậy gam màu ấy là gam màu của cái chết, của chiến tranh giới địa vị nghèo nàn và cũng của nghèo nàn. Vì lẽ ấy mà nó hỗn loạn đến kinh người.


Hay là màu áo dài trắng chính là hoà bình, vì nó là màu trắng, nó không trộn lẫn bất cứ gam màu nào có mặt của bất cứ thứ gì. Hay là nó là gam màu của sự cân bằng giàu nghèo, vì không nhuốm bất cứ thứ gì.


Chiến tranh chẳng có màu cụ thể mà nó luôn cần được pha trộn với các trạng thái của con người. Rất có thể vì nó xảy ra bởi con người và chịu bởi con người.


Khi tấm áo dài trắng tung bay đoạn cuối phim và chẳng có âm thanh nào nữa, rồi nó lại bật lại và cho tôi thấy cảnh những người nghèo khổ đang hứng mưa đạn rồi bùm, chuyển màu đỏ chói. Tôi hiểu theo ý của mình là chiến tranh không phân biệt giàu nghèo.


Vì cuối cùng tất cả đều chết.


Nếu đạo diễn ngụ ý tất cả điều này, bộ phim này xứng đáng được nhiều hơn chỉ giải Cánh diều vàng.


Huyền Thương

 

Commentaires


©2021 by

 La'Cinéma.

bottom of page