SỨC MẠNH CỦA ĐEN, TRẮNG VÀ ĐỎ TRONG SCHINDLER'S LIST
- La'Cinéma Club
- 12 thg 1, 2022
- 6 phút đọc
Xuất hiện trên màn ảnh lần đầu vào năm 1993, bộ phim Schindler’s List đã lần mò từng đụn cát của sự sống người Do Thái mỏng manh, bị cuốn trôi vào bờ trong cuộc thảm sát tàn bạo nhất nhân loại mang tên Holocaust. Với tài năng thiên phú của mình, vị đạo diễn Steven Spielberg đã đóng dấu từng cung bậc cảm xúc nghẹt thở lên từng khung hình đen-trắng trong những thước phim-lần mò từng tội ác của hệ thống quan liêu ủng hộ Nazi, sẵn sàng trì chiết căn tính của những người Do Thái lúc bấy giờ.
Sự giới hạn trong việc sử dụng màu sắc xuyên suốt phim đã làm vang vọng tiếng nói nội tâm trong mỗi khung hình đơn sắc. Sắc trắng, sắc đen bủa vây trong mỗi thước quay đã bấu rễ lên bộ phim một sắc thái u buồn trước thảm kịch Holocaust. Trắng-đen, là một biểu tượng mà co vào trong nó là sự hoang tàn, trơ trụi của những tàn thuốc bị gót giày da đế quốc Nazi chà đạp đến khi tắt mồi lửa nhỏ nhoi trên đầu điếu thuốc. Đó chính là số phận của những người Do Thái với căn tính bị vô hiệu hóa dưới sự chèn ép của quân Nazi. Những con người đường hoàng bị đối xử, chì chiết như thể một giống súc vật nào đó. Như thể tính người của họ bị nghiền nát trước đầu súng đạn của quân đội Nazi. Quả thật, chính sự thiếu vắng màu sắc trong khung hình đã tạo nên từng nhịp thở nhanh, gấp gáp, dồn dập trong từng lần bấm máy.
Đặc biệt, điều này được thể hiện rõ nét nhất ở trong một phân cảnh khi các nhân công nữ Do Thái bị dồn trong khoang tắm. Khi đó, có một tin đồn từng được truyền tai cho rằng quân Phát Xít đã lùa kha khá người Do Thái vào phòng tắm, cho họ xà bông tắm rửa để rồi khóa kín cửa và thả khí ga làm chết ngạt từng người. Sự tối giản trong màu sắc còn đặc tả nét ám ảnh đến tột cùng bám rễ trong các thước phim dạng juxtaposition. Trước khi những khung hình juxtaposition được trải ra, ở một phân cảnh nọ với nhân vật Helen Hirsch-cô người hầu người Do Thái của tên Amon Goeth, xung đột cảm xúc của anh ta, một kẻ sẵn sàng xả ngòi súng lên người Do Thái một cách ngẫu nhiên, đã được lột tả rõ nét qua từng cử chỉ và lời thoại bậc tả qua lớp cắt gam sắc tối giản. Đạo diễn Steven Spielberg, với kỹ thuật thực hành chất liệu điện ảnh một cách tài tình đã mang đến cho người xem cái nhìn tường tận nhất về nội tâm của một tên tay sai trung cấp làm việc dưới ách Đức Quốc xã. Amon Goeth hiện ra với như một thực thể chuyển động không dính liền với căn tính. Anh ta là một kiến tạo xã hội trong đó bản thể được cấu trúc lên bởi các lớp ảo ảnh về một thế giới hậu chiến tranh với sự miễn nhiệm tội ác là đặc quyền cho đám quân lính từng phục vụ Đức Quốc Xã.
Là hậu thuẫn của Đức Quốc Xã, chính Amon Goeth chật vật trong lăng kính của những mâu thuẫn bất an trước sự tàn nhẫn và vô hồn thể hiện qua hành động của mình. Quay lại bàn luận về phân cảnh Amon Goeth bắt gặp Helen Hirsch trong căn hầm, sự tối giản gam sắc đã phác họa lên những đối nghịch nội tâm của anh ta. Nếu như ở những phút đầu ở phân cảnh, Amon Goeth có phần nhẹ nhàng, êm dịu như đắm chìm trong dung nhan của Helen Hirsch thì bất chợt ở những phút sau, anh ta xuống tay với cô người hầu Helen Hirsch hết sức tàn bạo. Đây cũng chính là khi những khung hình juxtaposition tràn vào thước phim khi máy quay biến đổi phân cảnh Helen Hirsch bị đánh đập so le với những cảnh quay tràn ngập niềm vui và tiếng cười trong bữa tiệc mà Oskar Schindler đang tham gia. Thủ pháp nghệ thuật juxtaposition này vốn được sử dụng trong điện ảnh để đánh bóng tính đối nghịch giữa hai sự vật được đặt cạnh, liền kề nhau. Chính việc lồng ghép juxtaposition cùng nét đơn sắc nhấn nhá bằng khả năng diễn xuất thiên tài của các diễn viên chính, đạo diễn đã dựng lên những khung hình ám ảnh đến từng đốt sống. Không chỉ vậy, gam đơn sắc trắng-đen cũng được sử dụng nhằm tăng tối đa tính chân thực của bộ phim, mô phỏng lại không gian-thời gian diễn ra chuỗi thảm kịch như chiếu lại một thước phim tài liệu đen-trắng bắt trọn một lịch sử rớm máu.
Bên cạnh đó, màu sắc duy nhất được sử dụng trong bộ phim Schindler’s List chính là màu đỏ.
Màu đỏ của đứa trẻ ấy gắn liền với chiếc áo choàng của cô bé 3 tuổi người Do Thái. Để phi cấu trúc sự sắp xếp này, ta có thể hiểu màu đỏ ở đây là màu của sáu triệu người Do Thái đã đổ máu, đồng thời còn là màu sắc tượng trưng cho sự tàn bạo và vô cảm của Đức Quốc xã. Trong phân cảnh, con đường và những con người Do Thái đang cố gắng lẩn trốn khỏi nòng súng của Đức Quốc xã diệt trừng “ghetto” (khu vực phân bố riêng cho người Do Thái) đều đặc sệt trong sắc đen-trắng như một điều không mấy đặc biệt, như ý niệm coi sự sống của họ như một thứ đồ vật rẻ mạc thì cũng chính trong tâm đám đông ấy, một cô bé mặc chiếc áo choàng đỏ đã thu hút sự chú ý của nhân vật Oskar Schindler. Màu đỏ, đại diện cho sắc hồn nhiên/tươi mới của trẻ thơ, lóe sáng trong dàn cảnh ảm đạm của một bi kịch lịch sử như một tia hy vọng về một thế giới nơi công lý được thực thi. Song, chính ánh sáng ấy cũng bị dập tắt một cách phũ hoàng khi cô bé không thoát khỏi đạn súng oan nghiệt của quân Nazi.
Trong một loạt các thước phim liên tiếp, đạo diễn Steven Spielberg đã nhấn mạnh sự tương phản giữa cô gái nhỏ mặc áo đỏ và những mạng sống bị tước đoạt một cách táo tợn khắp nơi trên đường phố như một lời chất vấn sự tàn nhẫn và độc ác của Đức Quốc xã. Không chỉ vậy, việc đạo diễn sử dụng màu đỏ còn mang chứa nhiều hàm ý cần được bóc tách để hiểu thông suốt những khía cạnh lịch sử ẩn chứa trong mỗi lựa chọn tỉ mỉ của ông. Thông qua phong cách phim đen (noir), kỹ thuật ánh sáng chiaroscuro tạo rõ sự tương phản giữa cô bé áo choàng đỏ và bối cảnh nhấn chìm trong gam đơn sắc, màu đỏ ánh lên bần bật, rõ ràng và tường tận tựa sự tồn tại của của thảm kịch Holocaust mà bất kỳ ai cũng có thể nhận ra trong tức khắc. Ta lý giải sự sử dụng một màu sắc nổi bật như vậy như một lời tuyên tội, chất vấn sự thờ ơ của các nước đế quốc khối Anh-Pháp-Mĩ, những cường quốc nhận thấy rõ từng li từng chút một sự tàn bạo đến rợn gáy của Đức Quốc Xã song lại chọn sự im lặng, thờ ơ trước sự diệt vong hơn 6 triệu người Do Thái hay sự vô nhân đạo của quân Phát Xít khi sẵn sàng ra tay với những sinh linh bé nhỏ, vô tội.
Chính cảnh quay cô bé áo choàng đỏ với điểm nhìn từ phía Schindler đã đánh dấu ngoạn mục sự thay đổi lý trí của ông. Nếu như ban đầu, ông thuê dân công người Do Thái vào làm việc cho xưởng xí nghiệp của mình đơn thuần vì lợi nhuận, tiền đề cho phát triển nhân vật chính thức được thiết lập với cái chết của cô bé ngây thơ - một tác động sâu sắc đến cách ông nhìn nhận trọng trách và sứ mệnh của mình.
(Thanh Tâm)
Comments