KIẾP HOA: ÂM NHẠC TRONG PHIM
- La'Cinéma Club
- 6 thg 12, 2021
- 5 phút đọc
Kiếp hoa, bộ phim Việt Nam đầu tiên được thu tiếng, được đạo diễn bởi soạn giả cải lương Trần Lang, kể về số phận trôi nổi của hai chị em Ngọc Lan - Ngọc Thuỷ ở giai đoạn trong và sau cuộc tản cư kháng chiến chống Pháp. Từ những năm 20 của thế kỉ trước, Việt Nam đã có một số tác phẩm điện ảnh đầu tiên như Kim Vân Kiều (dựa trên Truyện Kiều của Nguyễn Du), Đồng Tiền Kẽm Tậu Được Ngựa (dựa trên truyện ngụ ngôn La Fontaine),... nhưng tất cả đều chỉ là phim câm. Thế nên việc một bộ phim có âm thanh như Kiếp hoa ra mắt là một sự kiện vô cùng lớn vào thời điểm bấy giờ. Dù là phim điện ảnh đầu tiên được thu tiếng như Kiếp hoa cũng đã có được một phần âm thanh vô cùng trau chuốt, với phần âm nhạc mang ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả.
Trong Kiếp hoa, âm nhạc dường như luôn hiện hữu ở mọi nơi. Hầu hết trong mọi cảnh quay, âm nhạc luôn vang lên, lúc thì êm đềm, dịu dàng, lúc da diết, dứt lòng. Âm nhạc chính là một trong những yếu tố chủ đạo tạo nên sắc thái và bầu không khí trong phim, mộc mạc, hoài cổ, đậm chất thanh lịch của người Hà Nội xưa. Các nhà làm phim đã mượn giai điệu của một số ca khúc đang nổi tiếng bấy giờ làm nhạc nền: Giai điệu “Dư âm” (Nguyễn Văn Tý) làm nền cho bối cảnh đô thị; cảnh làng quê thì có “Làng tôi” (Chung Quân) ; cảnh ly loạn có “Giọt mưa thu” (Đặng Thế Phong); ca khúc “Cây đàn bỏ quên” (Phạm Duy) được một nhân vật nam đệm hát ở quán cà phê để tán tỉnh mỹ nữ. Tất cả đều đã trở thành những khúc ca trường tồn cùng thời gian, sống mãi với năm tháng.
Khi nói đến âm nhạc trong Kiếp hoa, có lẽ người xem sẽ ấn tượng nhất với “Dư âm", bởi bài ca ấy vốn đã rất nổi tiếng từ trước khi thời điểm phim được ra mắt. “Dư âm”, được sáng tác bởi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở cuối thập niên 40, trong thời kỳ nhạc tiền chiến đang ở giai đoạn cực thịnh. Ca khúc thời ấy, dù bị cấm hát ở những vùng chiến khu, vẫn được yêu thích và trở nên vô cùng phổ biến tại các đô thị từ Bắc tới Nam. Hơn 70 năm đã trôi qua, những giai điệu bay bổng, ca từ tuyệt đẹp của “Dư âm" vẫn được yêu thích, mến mộ và còn được xem là một trong những tuyệt tác của âm nhạc Việt Nam. Nhận thấy được tiềm năng của ca khúc, các nhà làm phim của Kiếp hoa đã quyết định sử dụng ca khúc trong phim, và cũng chính ca khúc ấy đã trở thành một trong những điểm sáng của cả bộ phim.
“Dư âm" xuất hiện rất nhiều trong Kiếp hoa, ở những bối cảnh khác nhau, dưới những hình thức khác nhau. Ngay ở phần mở đầu của phim, khi Ngọc Thuỷ đang đứng trầm ngâm bên ban công, không ngủ nổi do nhớ chị, và Thiện đến lại gần để an ủi cô, giai điệu không lời của "Dư âm" đã vang lên, như một lời giới thiệu khán giả đến với thế giới của phim, tạo nên bầu không khí và thiết lập tâm trạng cho bộ phim. Không gian hoài cổ, sự lãng mạn, cái thanh lịch của người Hà Nội xưa dường như được thể hiện trọn vẹn, với sự hỗ trợ không nhỏ từ âm nhạc. Và ta không thể không nhớ đến bản song ca “Dư âm" của Ngọc Lan và Ngọc Thuỷ. Cảnh phim mở đầu với Thuỷ, đang đứng ngâm nga giai điệu “Dư âm" trong không gian đồng quê, yên bình. Lan và Thiện ngồi bên bờ sông nghe Thuỷ hát. Rồi giọng ca của cả Lan và Thuỷ hoà thanh, tạo nên một bản hoà ca tuyệt đẹp. Từng cử chỉ của nhân vật, nụ cười, và đặc biệt là giọng hát của hai người đã khắc hoạ lên nét đẹp người con gái Hà Nội lúc bấy giờ, e thẹn, lãng mạn, tinh tế, thanh lịch. “Dư âm” dường như luôn hiện diện trong Kiếp hoa. Trong những bối cảnh thành thị, giai điệu quen thuộc ấy lại vang lên. Những hoạt động thường ngày của những người dân thành thị diễn ra, hình ảnh những người phụ nữ mặc áo dài trắng thướt tha, nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ tinh tế, thanh lịch tản bộ trên đường phố trên nền nhạc du dương đã khắc hoạ lên một phong cách người Hà Nội xưa thật thanh tao, dịu dàng. “Dư âm” như thể là ca khúc chủ đề của Kiếp hoa bởi lẽ, bài hát quá phù hợp với phong cách, bối cảnh và bầu không khí của phim. Kiếp hoa và “Dư âm" như thể đã luôn thuộc về nhau. Nhắc đến Kiếp hoa người ta sẽ nhớ tới “Dư âm" và nhắc tới “Dư âm” người ta cũng lại nhớ tới Kiếp hoa.
“Làng tôi” của nhạc sĩ Chung Quân, với sự trình bày của nghệ sĩ cải lương Kim Chung cũng là một điểm sáng của bộ phim. Ban đầu, các nhà làm phim đã tổ chức một cuộc thi sáng tác ca khúc với đề tài là quê hương và con người Sau nhiều vòng chấm điểm, ban tổ chức đã công bố tác phẩm đạt giải chính là bài hát “Làng tôi" của một tác giả vô danh mới 16 tuổi, một cái tên vô cùng xa lạ trong nền âm nhạc Việt Nam lúc ấy: Chung Quân. “Làng tôi" mang hơi thở một vùng quê yên bình, lời thơ giản dị, mộc mạc, thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam. Qua tiếng hát thánh thót của nghệ sĩ Kim Chung, ca khúc “Làng tôi” cũng đã trở thành một điểm sáng của bộ phim. Dạo đầu bằng những tiếng guitar mộc mạc, tiếng hát thánh thót làm xao xuyến lòng người của Ngọc Lan cất lên trong gian phòng nhỏ bé, âm vang, thể hiện được sự duyên dáng của người con gái Hà Nội xưa.
Ngoài ra, trong phim còn có sự xuất hiện của những ca khúc “Cây đàn bỏ quên" (Phạm Duy), do một chàng trai đệm đàn hát ở quán cà phê, tán tỉnh các cô gái; giai điệu “Giọt mưa thu” (Đặng Thế Phong) và những khúc nhạc nền du dương góp phần tạo nên không khí, bối cảnh hoài niệm của Hà Nội những năm 50 của thế kỉ trước, thể hiện khí chất tao nhã của người Hà Nội năm xưa.
Âm nhạc trong Kiếp hoa chính là sự chọn lọc vô cùng tinh tế giữa những bản tình ca nổi tiếng thời bấy giờ - các ca khúc mà giờ đây đã trở thành những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam. Chỉ riêng phần âm nhạc cũng đã đủ để khiến Kiếp hoa trở thành một kho tư liệu quý giá, lưu trữ những tinh hoa nghệ thuật Việt Nam thập niên 50, lãng mạn, thanh lịch, duyên dáng và tinh tế.
(Quỳnh Hương)
Comentarios