top of page

NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG: TIẾNG "THIÊN THAI" VANG BÓNG MỌI THỜI ĐẠI

  • Ảnh của tác giả: La'Cinéma Club
    La'Cinéma Club
  • 13 thg 2, 2022
  • 4 phút đọc

Được chuyển thể từ tiểu thuyết văn học nước ngoài cùng tên, tác phẩm điện ảnh “The Quiet American" (Người Mỹ trầm lặng, 2002) đưa chúng ta ngược dòng thời gian về hơn tám thập kỷ trước để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ điển và đầy chất thơ của xã hội Việt Nam năm xưa dưới góc nhìn của tác giả. Không chỉ được ngắm nhìn cảnh đẹp mỹ lệ và mộng mơ, ta còn được thưởng thức những khúc nhạc tiền chiến quen thuộc của chính quê hương mình, các giai điệu trữ tình mà day dứt đến nao lòng người.


Cốt truyện xoay quanh mối tình tay ba rắc rối giữa một cô gái trẻ mang dòng máu Việt tên Phượng với hai người đàn ông ngoại quốc, nhà báo gốc Anh tên Fowler và một cậu thanh niên người Mỹ tên Pyle cùng đang lưu trú ở Sài Gòn. Cả hai đều dành cho cô một tình yêu sâu đậm và có mong muốn được cưới cô về nhưng đều không thành. Với Fowler, dù Phượng vốn đã là nhân tình của ông suốt quãng thời gian ở Việt Nam, nhưng bởi độ chênh lệch về tuổi tác quá lớn, với việc vợ ông còn là người theo đạo Công giáo nên ly dị dường như là không thể, điều này khiến việc kết hôn càng trở nên khó khăn. Còn về phần Pyle, khác với người nhà báo lớn tuổi, anh là một thanh niên trẻ trung, thẳng thắn và hứa hẹn có thể cho cô một tương lai tươi sáng và ổn định nếu cô đồng ý theo anh đến New Zealand. Vậy nhưng lần đầu khi anh ngỏ lời cầu hôn, Phượng đã không hề do dự mà từ chối lời mời.


Bộ phim lấy bối cảnh vào thời điểm cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra vô cùng khắc nghiệt và căng thẳng, tuy vậy mà qua ống kính máy quay, người xem lại cảm thấy như được chiêm ngưỡng những năm tháng thơ mộng nhất ở thành phố Sài Gòn. Ở giai đoạn lịch sử này, nền văn hoá nước ta vẫn còn đang bị ảnh hưởng rất nhiều về cả phong tục tập quán lẫn phong cách sống từ phương Tây, đặc biệt là từ nước Pháp. Vậy nên để tái dựng được những hình ảnh sống động nhất về đất nước Việt Nam thời bấy giờ, đạo diễn đã cần phải chú tâm vào không chỉ thời trang hay bố cục phong cảnh, mà còn qua cả một yếu tố quan trọng làm nên sự độc đáo của bộ phim: âm nhạc. Điểm nhấn khiến “The Quiet American" trở nên đặc trưng và nổi bật hơn so với các thước phim khác chính là việc đạo diễn đã sử dụng các bài hát Việt để làm nhạc chủ đề, bởi đây là bộ phim Hollywood đầu tiên trong lịch sử điện ảnh thực hiện điều đó.


Ở giây phút đầu phim, ngoài hình ảnh những con đò đang lướt nhẹ nhàng trên mặt nước phẳng lặng, ta sẽ bắt gặp ngay giai điệu tiền chiến quen thuộc đang vang vọng sau nền. Một khúc nhạc trầm tĩnh, kết hợp với giọng ca nữ đầy tha thiết và lắng đọng nhiều xúc cảm như phần nào kể trước cho người xem về một câu chuyện tình bi kịch, xen lẫn nhiều giữa cả chiến tranh và chính trị. Nhạc tiền chiến, còn được biết đến là dòng nhạc đầu tiên của thời kỳ tân nhạc Việt Nam, chính bởi được ra đời trước khi chiến tranh Đông Dương nổ ra, các ca khúc đều được sáng tác theo hoà âm và tiết điệu của Tây Phương, và cũng như là mở đầu cho quá trình hội nhập âm nhạc của nước ta với thế giới. Càng về sau, thay vào đàn piano tiếng du dương ban đầu, là âm thanh của đàn vĩ cầm réo rắt với nhịp trống liên hồi, sự thay đổi này giúp làm tăng nhịp của bộ phim khiến cho câu chuyện trở nên thêm căng thẳng và nôn nao. Cùng lúc đó, khung cảnh cũng không còn màu sắc của bầu trời xanh thanh bình, mà chuyển sang một gam màu đỏ của máu, của lửa, màu khói mù mịt của bom và đạn trên một chiến trường dữ dội.


Sau một hồi đầy gay go và biến cố, nhịp phim dần quay trở lại sự ổn định và bình yên như lúc đầu của nó, báo hiệu cho người xem rằng khoảnh khắc căng thẳng ấy đã trôi qua. Bộ phim kết thúc với cùng khung cảnh êm đềm có dòng sông nơi những con đò đang lả lướt, có tiếng hát da diết nhưng giờ đây đã trở nên bi thương hơn bao giờ hết. Đưa người xem về một trạng thái thanh thản mà cũng đầy suy tư, và trăn trở.


Âm nhạc có thể kể cho ta một câu chuyện, cũng có thể phản ánh lên cả nền văn hoá của một thời kỳ lịch sử. Để thổi hồn vào bộ phim, nhà soạn nhạc, Craig Armstrong, đã rất chú tâm vào cách chọn lọc các bài hát vừa mang phong vị xưa cũ, vừa khiến cho người xem cảm nhận được sự pha trộn giữa chất nhạc của nước ta với phương Tây.


Hiền Linh

 

Comments


©2021 by

 La'Cinéma.

bottom of page